Sở hữu điều kiện tự nhiên thuận lợi, núi đồi trù phú, những năm qua huyện Phú Lương (Thái Nguyên) đã thực hiện phát triển nền nông nghiệp tốt với tinh thần trách nhiệm với môi trường và người tiêu dùng.
Địa phương đã xây dựng được 28 sản phẩm OCOP, trong đó có 11 sản phẩm đạt 4 sao… Trong đó, Hợp tác xã (HTX) Chè an toàn Khe Cốc đóng góp tới 5 sản phẩm OCOP. HTX Chè an toàn Khe Cốc cũng được biết đến như cái nôi của chè hữu cơ Thái Nguyên.
Vựa chè trung du qua nửa thế kỷ
Là một trong những nghệ nhân đầu tiên của tỉnh Thái Nguyên được phong tặng danh hiệu Nghệ nhân chế biến chè, ông Tô Văn Khiêm, Giám đốc HTX Chè an toàn Khe Cốc chia sẻ: “Để vựa chè trung du Khe Cốc tồn tại nửa thế kỷ qua, với niềm tự hào là một trong những nơi làm nông nghiệp hữu cơ đầu tiên của cả nước, chúng tôi phải đi vận động bà con, triển khai những thứ nhỏ nhất từ giống, phân bón cho tới cách chăm sóc”.
Ông Tô Văn Khiêm (giữa) giới thiệu sản phẩm chè của HTX Chè an toàn Khe Cốc với khách tham quan.
HTX Chè an toàn Khe Cốc khi bắt tay làm nông nghiệp hữu cơ không vội vàng theo đuổi ngay lập tức những tiêu chuẩn hữu cơ quốc tế mà chỉ từng bước đáp ứng tiêu chuẩn hữu cơ Việt Nam. Theo ông Khiêm, làm nông nghiệp hữu cơ không được nóng vội, phải đi chậm và chắc bởi thành công của nông nghiệp hữu cơ phải là sức khỏe cho người tiêu dùng, người sản xuất lẫn môi trường.
Ban đầu, HTX chỉ phát triển 20ha chè hữu cơ theo tiêu chuẩn Việt Nam, con số này được nâng dần theo từng năm và đến nay là hơn 100ha. Việc nâng dần diện tích canh tác hữu theo khả năng và nhu cầu thị trường giúp HTX chủ động được đầu ra cũng như có thời gian đào tạo quy trình canh tác, chuẩn bị vật tư nông nghiệp đầy đủ.
Nhờ có kế hoạch phát triển cụ thể, ông Khiêm đã nghiên cứu ra quy trình lấy trứng gà bón cho chè. Nói thì khó tin, nhưng thực chất trứng gà mà lão nông này mua đều là trứng gà thải loại với giá rất rẻ, chưa đến 1.000 đồng/kg, mà mỗi kg có tới hơn 10 quả.
Số trứng ấy được pha loãng bằng nước rồi tưới xuống các gốc chè. Mỗi khi đến độ thu hoạch, số chè này được phân loại riêng để tạo nên các sản phẩm đặc biệt thơm ngon.
Nương chè của HTX Chè an toàn Khe Cốc được đầu tư hệ thống tưới tự động.
Cũng chính nhờ cách làm “khác người” là cho chè “ăn” trứng gà, đã tạo cơ hội để vùng chè Khe Cốc dành được sự quan tâm đặc biệt của lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên và có cơ duyên để sản phẩm chè ở vùng quê hẻm đồi ấy đi tận trời Âu. Tính đến thời điểm hiện nay, HTX đã xuất khẩu chè tới nhiều thị trường khó tính như Ba Lan, Hoa Kỳ, Cộng hòa Séc.
Sản xuất chuyên canh, quy mô lớn gắn với nông nghiệp hữu cơ
Được tỉnh Thái Nguyên xác định là vùng sản xuất nông nghiệp trọng điểm của tỉnh, huyện Phú Lương đang tập trung chuyển dịch cơ cấu, xây dựng kinh tế nông nghiệp theo hướng hữu cơ, bền vững, giá trị cao thông qua việc hình thành các vùng sản xuất chuyên canh, quy mô lớn, tập trung.
Tổng diện tích chè của huyện Phú Lương hiện trên 4.000ha, sản lượng chè búp tươi đạt khoảng 47.000 tấn, giá trị kinh tế đạt hơn 1.300 tỷ đồng/năm. Ông Nguyễn Quốc Hữu, Bí thư Huyện ủy huyện Phú Lương cho biết, Phú Lương đang định hướng phát triển nông nghiệp theo hướng hữu cơ, thân thiện với môi trường.
Huyện Phú Lương chủ trương xây dựng các vùng sản xuất nông nghiệp chuyên canh lớn gắn với sản xuất theo hướng hữu cơ, bền vững.
“Chúng tôi quan điểm sản phẩm nông sản hữu cơ phải có chất lượng cao và tạo sinh kế bền vững cho người dân địa phương, góp phần vào bảo vệ sức khỏe người sản xuất và người tiêu dùng, bảo vệ môi trường sinh thái bản địa. Địa phương cũng cam kết đồng hành cùng doanh nghiệp, HTX, nông dân phát triển các sản phẩm hữu cơ thông qua các hoạt động quảng bá, xây dựng thương hiệu, hỗ trợ vật tư đầu vào…”, ông Nguyễn Quốc Hữu nhấn mạnh.
Bài viết lên quan