Miền Trung khai thác tiềm năng vùng nông thôn để làm du lịch

Ngày 15/11, tại thành phố Tam Kỳ, Hội đồng vùng Kinh tế Trọng điểm miền Trung và UBND tỉnh Quảng Nam phối hợp tổ chức Hội thảo “Liên kết khai thác Du lịch nông nghiệp, văn hóa, sinh thái dựa vào cộng đồng trong xây dựng Nông thôn mới tại Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung” với sự tham dự của hàng trăm lãnh đạo, cán bộ khu vực cùng các chuyên gia du lịch.

Khi nhà nông làm du lịch

Phát biểu tại Hội thảo, ông Lê Trí Thanh – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam nhấn mạnh: Xưa nay, nhiều mô hình du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái đã hình thành, phát triển mạnh và mang lại hiệu quả thiết thực tại một số vùng nông thôn của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, nhiều mô hình NTM đã được hình thành mà mục tiêu chung hướng đến là làm thay đổi tích cực bộ mặt nông thôn, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân.

Quan cảnh Hội thảo phát triển du lịch nông thôn

Tuy nhiên, để tạo sợi dây kết nối, sự liên kết trong việc phát triển du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, du lịch văn hóa gắn với xây dựng NTM của vùng thì thật sự chưa đặt ra bài toán để để nghiên cứu, để tìm tòi, tìm hướng đi và đề ra giải pháp để giải quyết…

“Hội thảo lần này là để phân tích, đánh giá tiềm năng, cơ hội và thách thức trong việc phát triển du lịch văn hóa, du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp gắn với xây dựng NTM tại vùng kinh tế trọng điểm miền Trung; từ đó đề ra giải pháp để phát triển du lịch nông thôn trong những năm tiếp theo. Chúng tôi hy vọng các nhà khoa học, các chuyên gia sẽ luận bàn và đưa ra giải pháp trong việc liên kết xây dựng mô hình này cũng như những điều kiền cần và đủ để thực thi mang lại hiệu quả thiết thực, kèm theo đó là các cơ chế, chính sách để thúc đẩy phát triển mang lại thành công”, ông Thanh nhấn mạnh.

Ông Lê Trí Thanh – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam phát biểu khai mạc tại Hội thảo

Văn phòng Điều phối Trung ương Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới cho biết, theo báo cáo của Tổng cục Du lịch, phát triển kinh tế du lịch nước ta những năm qua đã không ngừng tăng trưởng vượt bậc, trong đó, một số chỉ tiêu đạt được vượt xa so với mức dự báo từ năm 2010, cụ thể: lượng khách quốc tế đến Việt Nam đã tăng gấp hơn 2,5 lần, từ 5 triệu lượt năm 2010 lên 12,9 triệu lượt năm 2017, trung bình tăng 14,5% năm (đặc biệt năm 2017 tăng tới 29,1% so với 2016).

Khách du lịch nội địa tăng gấp 2,6 lần, từ 28 triệu lượt năm 2010 lên 73,2 triệu lượt năm 2017, tăng trung bình 14,6%. Tổng thu từ du lịch tăng trên 5 lần, từ 96.000 tỷ 2010 lên 510.000 tỷ năm 2017, trung bình tăng 26,9%, đóng góp trên 7% GDP và tác động lan tỏa trên 13,9% GDP; tạo ra trên 1,2 triệu việc làm trực tiếp và 3,6 triệu việc làm gián tiếp. Nguồn lực đầu tư, lực lượng doanh nghiệp và nhân lực du lịch ngày càng lớn mạnh; quy mô cơ sở lưu trú tăng từ 12.350 cơ sở năm 2010 lên 22.000 cơ sở năm 2017, đặc biệt cơ sở lưu trú cao cấp (4 – 5 sao) chiếm tỷ trọng ngày càng lớn; hệ thống điểm đến có quy mô tầm cỡ quốc gia và quốc tế đã hình thành với cơ sở cung cấp dịch vụ ngày càng đa dạng.

“Ở khu vực nông thôn, trong những năm qua, hoạt động du lịch gắn với nông nghiệp, nông thôn đã được đầu tư khai thác tại nhiều địa phương, hình thành hệ thống sản phẩm du lịch phong phú, đặc thù trải dài từ Bắc tới Nam. Các loại hình du lịch, như: Trang trại đồng quê, miệt vườn, trải nghiệm làm nông, sinh thái… đã phát triển, chiếm tỉ lệ ngày càng cao bên cạnh các loại hình du lịch truyền thống. Sự liên kết giữa các doanh nghiệp lữ hành và các đơn vị cung ứng sản phẩm du lịch nông nghiệp ngày càng phát triển, tạo ra nhiều tour du lịch độc đáo, hấp dẫn, những hoạt động nông nghiệp như trồng lúa, bắt cá, ở nhà dân, đi cày, đi bừa, cưỡi xe bò, xe trâu rất hấp dẫn khách du lịch nước ngoài đón nhận.

Ngoài ra, phải kể đến sự tham gia trực tiếp của người nông dân trong hoạt động du lịch, tạo nên sự phong phú, hấp dẫn của các sản phẩm du lịch, đồng thời đem lại thu nhập cao hơn cho bà con nông dân bên cạnh hoạt động nông nghiệp thuần túy, điển hình là: dịch vụ homestay (lưu trú tại gia) được khai thác phổ biến tại nhiều vùng nông thôn, miền núi (Quảng Nam, Lào Cai, Hòa Bình, Hà Giang, Đồng Tháp, An Giang…)” – đại diện VP Điều phối Trung ương cho biết.

Cần phát huy hết giá trị của vùng nông thôn.

Tại Hội thảo, nhiều ý kiến cho rằng, việc phát triển các loại hình du lịch trong xây dựng NTM tại Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung còn nhiều khó khăn. Từ việc chưa có định hướng, quy hoạch và kế hoạch cho sự gắn kết này đến việc chưa phát huy được giá trị vốn có của làng quê, làng nghề, thiếu sự phối hợp giữa các ngành, các cấp, các vùng liên quan.

Việc áp dụng khoa học – kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp còn ở mức thấp. Sản phẩm nông nghiệp khai thác trên tài nguyên tự nhiên nên còn nghèo nàn, khá đơn điệu. Kiến thức làm du lịch trong người dân làm nông nghiệp gần như chưa có, chưa am hiểu nhiều về du lịch. Chưa có nhiều các doanh nghiệp chú trọng khai thác sản phẩm du lịch này vì công sức bỏ ra nhiều nhưng hiệu quả kinh tế mang lại thì đòi hỏi phải mất thời gian dài…

PGS.TS Trần Đình Thiên – Tổ tư vấn Kinh tế của Thủ tướng Chính phủ, Thành viên Nhóm tư vấn hợp tác phát triển vùng duyên hải miền Trung khẳng định: Trong giai đoạn vừa qua, có thể nhận diện hai đặc điểm phát triển kinh tế nổi bật của Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung. Một là nỗ lực phát triển thông qua liên kết Vùng, cho dù cơ sở cho sự liên kết phát triển kinh tế của Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung là rất thiếu, các điều kiện thực hiện liên kết Vùng là rất khó khăn. Hai là chọn ngành Du lịch để tập trung ưu tiên phát triển, coi đây là hướng “mũi nhọn”của chiến lược phát triển, là lĩnh vực chính để thực hiện liên kết phát triển Vùng.

“Tuy nhiên, từ một góc nhìn khác, không khó để nhận thấy rằng sự ưu tiên như vậy, dù là rất đúng đắn về mặt chiến lược và bước đi, đồng nghĩa với một thực tế rằng cách phát triển du lịch Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung thời gian qua còn những điểm “khuyết”.

Điểm khuyết đó là, vùng nông thôn miền Trung rộng lớn, với tiềm năng phát triển to lớn, đặc biệt là rất dồi dào nguồn tài nguyên và lợi thế phát triển du lịch, có thể giúp tạo và nâng cấp hơn nữa “sự khác biệt và tính đẳng cấp” của ngành du lịch vốn rất nhiều bản sắc của miền Trung. Miền Trung có nền nông nghiệp đặc sắc (đặc hữu, đặc sản), có vùng nông thôn đậm bản sắc văn hóa – lịch sử – môi trường – sinh thái nhưng chưa được thúc đẩy phát triển và khai thác – phát huy có hiệu quả từ góc độ “du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, trọng điểm của Vùng.

Trong bối cảnh đó, để giải quyết đúng và hiệu quả bài toán phát triển của mình cho giai đoạn tới, như cách đặt vấn đề tổng quát được thể hiện trong tiêu đề Hội thảo, Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung cần có cách tiếp cận phát triển mới, theo đúng tinh thần “đổi mới mô hình”, nghĩa là phải thay đổi căn bản, triệt để và mang tính hệ thống chứ không thể chỉ là “chỉnh sửa”, “cơi nới” cục bộ. Đây chính là ý tưởng xuyên suốt Hội thảo này – cuộc Hội thảo bàn về phát triển Vùng, trên tuyến nội dung chính của nó là Du lịch, trong thế liên kết với các tiềm năng lớn của Vùng – nông nghiệp, văn hóa và sinh thái, dựa vào cộng đồng trong công cuộc xây dựng NTM…”, PGS.TS Trần Đình Thiên nhấn mạnh.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *