Từ phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi (SXKDG), nhiều nông dân ở Lâm Đồng đã trở thành chủ trang trại, hợp tác xã, doanh nghiệp… kết quả, phong trào cho thấy vai trò quan trọng của các cấp Hội ND, đặc biệt là công tác tuyên truyền, vận động, hỗ trợ vốn vay.
Nhiều điển hình xuất sắc
Hội ND (ND) tỉnh Lâm Đồng vừa tổ chức Hội nghị tổng kết phong trào nông dân thi đua SXKDG, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững (giai đoạn 2013 – 2018). Trong 5 năm qua, phong trào đã góp phần thúc đẩy, hoàn thiện quan hệ sản xuất phù hợp trong nông nghiệp, nông thôn, đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật. Bên cạnh đó, SXKDG đã góp phần xây dựng nông thôn mới, giữ vững ổn định chính trị, trật tự – an toàn xã hội nông thôn. Đặc biệt, những hội viên nông dân tiên phong, gương mẫu đó đã góp phần xây dựng, củng cố tổ chức Hội ngày càng vững mạnh; nâng cao vai trò, vị thế của Hội ND trong phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới.
Lâm Đồng đã có nhiều mô hình sản xuất hiện đại, cho thu nhập cao.
Bà Nguyễn Thị Tường Vi – Phó Chủ tịch Hội ND tỉnh Lâm Đồng cho biết, chất lượng hoạt động của các chi, tổ hội ngày càng được nâng cao. Thông qua các buổi sinh hoạt, các hội viên nông dân có điều kiện để gần gũi, trao đổi những kinh nghiệm sản xuất, hướng dẫn cách làm ăn để phát triển kinh tế đạt hiệu quả. Cũng trong 5 năm qua, các cấp hội đã kết nạp thêm 34.309 hội viên, nâng tổng số hội viên đến nay lên hơn 156.482 người (chiếm 83% số hộ làm nông nghiệp).
Tính đến tháng 6/2019, trên địa bàn tỉnh có 949 trang trại, 2 liên hiệp HTX. Các HTX hoạt động đa dạng trên các lĩnh vực như nông nghiệp, du lịch canh nông, trồng rau hoa các loại. Hình thức tổ chức sản xuất hướng đến liên kết, hình thành chuỗi, đăng kí thương hiệu và tổ chức thu mua, sơ chế, tiêu thụ sản phẩm cho bà con xã viên.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có nhiều mô hình mang lại giá trị kinh tế cao như mô hình liên kết, chuyên sản xuất các loại rau củ quả thủy canh, giá thể của ông Nguyễn Đức Huy (TP.Đà Lạt). Ông Huy đã dùng phần mềm điều khiển của riêng mình cho khu vườn, có kết nối với điẹn thoại thông minh, máy tính, công cụ “đọc, hiểu” diễn biến sinh thái thực tế trong vườn, sau đó cảnh báo chủ vườn đưa ra các “lệnh” xử lý chuẩn xác. Hay bà Nguyễn Thị Huệ (phường 7, TP.Đà Lạt) với mô hình trồng rau sạch có giá trị sản xuất bình quân 10 tỷ đồng/ha/năm. Bà Huệ cũng là người tiên phong đầu tư công nghệ thủy canh và sản xuất rau đem lại giá trị kinh tế cao.
Tiếp vốn cho hội viên
Trong những năm qua, Hội ND tỉnh Lâm Đồng cũng liên tục tiếp vốn cho hội viên, nông dân chưa có điều kiện để phát triển kinh tế. Ông Đa Cát Vinh – Chủ tịch Hội ND tỉnh Lâm Đồng cho biết: “Tạo vốn là một trong những hoạt động quan trọng để giúp hội viên, nông dân đầu tư sản xuất, chăn nuôi mang lại hiệu quả kinh tế. Hàng năm, Hội ND ký ủy thác với Ngân hàng Chính sách xã hội để thực hiện. Đến nay, tổng dư nợ ủy thác cho vay qua Hội ND tỉnh đạt 1.000 tỷ đồng với hơn 31.000 thành viên được vay từ 15 chương trình cho vay ưu đãi”.
Bên cạnh đó, Tỉnh hội đã ký Chương trình liên tịch với Ngân hàng NNPTNT thực hiện cho vay theo nhóm hộ với 115 tổ vay vốn với hơn 438 tỷ đồng. Ngoài ra còn phối hợp với Ngân hàng Liên Việt PostBank cho 226 thành viên thông qua 32 tổ vay vốn với số tiền hơn 9,5 tỷ đồng.
Cũng theo ông Đa Cát Vinh, phong trào nông dân thi đua SXKDG là phong trào lớn và trọng tâm của các cấp Hội ND trong tỉnh, đã trở thành phong trào quần chúng thu hút đông đảo cán bộ, hội viên và nông dân tham gia. Phong trào đã tạo động lực cho nông dân thi đua lao động sản xuất, vươn lên làm giàu. “Từ phong trào đã xuất hiện nhiều nông dân đạt danh hiệu hộ SXKDG; nhiều mô hình có quy mô sản xuất lớn đã phát triển thành doanh nghiệp, trang trại, HTX, thu hút lao động nhàn rỗi, tạo việc làm ổn định cho nông dân. Từ đó làm cho kinh tế nông thôn có nhiều khởi sắc, đời sống vật chất, tinh thần của nông dân được cải thiện” – ông Vinh đánh giá.
Bài viết lên quan