Đề xuất miễn thuế đất nông nghiệp: Đầu tư thoả đáng cho tam nông

Bộ Tài chính đang đề nghị xây dựng dự án Nghị quyết của Quốc hội về miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp (SDĐNN) đến năm 2030 nhằm hỗ trợ trực tiếp tới người nông dân, giúp người nông dân cải thiện cuộc sống, giảm bớt khó khăn, gắn bó với hoạt động sản xuất nông nghiệp.

Đã miễn giảm hàng chục nghìn tỷ đồng

Chính sách miễn, giảm thuế SDĐNN giai đoạn 2003 đến nay được thực hiện theo quy định tại Nghị quyết số 15/2003/QH11 ngày 17/6/2003 của Quốc hội về việc miễn, giảm thuế SDĐNN cho giai đoạn 2003-2010; Nghị quyết 55/2010/QH12 ngày 24/11/2010 của Quốc hội về miễn, giảm thuế SDĐNN cho giai đoạn 2011-2020 và Nghị quyết số 28/2016/QH13 ngày 11/11/2016 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 55/2010/QH12 về miễn, giảm thuế SDĐNN.

Sau 17 năm thực hiện, chính sách miễn, giảm thuế SDĐNN đã góp phần thúc đẩy, phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn nói chung và vùng dân tộc thiểu số và miền núi nói riêng.

Nhiều địa phương đã mạnh tay đầu tư, đưa máy cấy vào đồng ruộng, giảm sức lao động cho nông dân.

Theo báo cáo tổng kết, đánh giá tình hình thực hiện chính sách miễn giảm thuế SDĐNN của Bộ Tài chính mới đây, tổng số thuế miễn, giảm giai đoạn 2003 – 2010 trung bình khoảng 3.263 tỷ đồng/năm; giai đoạn từ 2011 – 2016 trung bình khoảng 6.308,3 tỷ đồng/năm; giai đoạn 2016 – 2018 và dự kiến đến hết năm 2020 khoảng 9.770 tỷ đồng/năm.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng đánh giá, chính sách miễn, giảm thuế SDĐNN đã hỗ trợ trực tiếp cho người nông dân, góp phần cải thiện, nâng cao đời sống nông dân, tạo việc làm cho khu vực nông thôn, góp phần xây dựng nông thôn mới…

Chính sách miễn, giảm thuế SDĐNN cũng là biện pháp khuyến nông, tạo cơ sở cho tập trung đất nông nghiệp để phát triển sản xuất nông, lâm, thủy sản, tăng thu nhập cho tổ chức, hộ gia đình, cá nhân tham gia sản xuất nông nghiệp, từ đó nâng cao thu nhập, xóa đói giảm nghèo cho khu vực nông thôn.

Theo Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng, để tiếp tục thực hiện kết quả đạt được của việc miễn thuế SDĐNN, Bộ Tài chính đã có tờ trình đề nghị tiếp tục thực hiện miễn thuế SDĐNN cho giai đoạn tiếp theo (2021-2020). Bên cạnh đó Bộ cũng đề nghị cần tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp khác để khuyến khích SDĐNN có hiệu quả, như tăng cường công tác quản lý đất nông nghiệp, kiên quyết thu hồi diện tích đất nông nghiệp không sử dụng, sử dụng không đúng mục đích, giao khoán, cho thuê, cho mượn trái pháp luật, bị lấn, bị chiếm theo quy định của Luật Đất đai để tạo quỹ đất giao, cho thuê đối với hộ gia đình, cá nhân.

“Đối với doanh nghiệp đầu tư sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp thì vốn và đất đai là hai nguồn lực quan trọng nhất, trong khi hiện nay cả nước mới chỉ có khoảng 8% tổng số doanh nghiệp đầu tư vào nông lâm ngư nghiệp. So với tiềm năng và tỷ trọng của ngành nông nghiệp trong nền kinh tế, con số này quá khiêm tốn.

Để góp phần đạt mục tiêu về số lượng doanh nghiệp hoạt động đầu tư kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp đến năm 2030 và tăng tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản đạt khoảng 3%/năm, việc tiếp tục thực hiện chính sách miễn thuế SDĐNN đối với các tổ chức trực tiếp SDĐNN để sản xuất nông nghiệp là một trong những giải pháp hỗ trợ hiệu quả”, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng nêu trong Tờ trình đề nghị xây dựng dự án Nghị quyết của Quốc hội về miễn thuế SDĐNN.

Tạo động lực mạnh mẽ cho tam nông

Từng góp ý về vấn đề này, ông Trần Hoàng Ngân (đại biểu Quốc hội đoàn TP.Hồ Chí Minh) nhấn mạnh: “Việc miễn hoàn toàn thuế SDĐNN sẽ tạo sự đồng thuận cao trong nhân dân, hơn nữa số tiền thu từ việc miễn, giảm không ảnh hưởng nhiều đến ngân sách. Hiện nay nhiều người bỏ ruộng vì trồng lúa, sản xuất nông nghiệp không có lãi cho nên cần khuyến kích tạo điều kiện cho người dân bám ruộng để bớt cảnh ra đi khỏi “lũy tre làng”, dẫn tới nhiều hệ lụy khác”.

Trao đổi với PV Báo NTNN, TS Đặng Kim Sơn – nguyên Viện trưởng Viện Chính sách và chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn (Ipsard) phân tích: Thời kì còn kinh tế kế hoạch, đóng góp của nông nghiệp cho kinh tế vô cùng quan trọng. Còn bây giờ, trong thời kì công nghiệp hoá, hiện đại hoá thì đóng góp của nông nghiệp đã ngày càng giảm bớt trong nền kinh tế quốc dân. Nông nghiệp vẫn quan trọng về mặt kinh tế, xã hội, môi trường, tạo công ăn việc làm, xoá đói giảm nghèo nhưng không còn là yếu tố lớn có tính chất đóng góp quyết định cho nền kinh tế.

“Nhìn về phía người nông dân, hiện nay vẫn còn 40% chưa đủ sức tái sản xuất, mở rộng, phần lớn thu nhập đến từ nguồn phi nông nghiệp chứ không đơn thuần dựa vào nông nghiệp. Bên cạnh đó, việc miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp đối với nhà nước bây giờ không còn là một gánh nặng về ngân sách, dù ngân sách nhà nước cũng còn khó khăn, nhưng với hộ nông dân, đây là những đóng góp quý báu”-TS Đặng Kim Sơn nói.

Xét về mặt quy luật kinh tế, bao giờ các nước từ kinh tế nông nghiệp chuyển sang công nghiệp thì giai đoạn đầu cũng là lấy đi từ nông nghiệp bằng thuế, chênh lệch giá, chuyển tài nguyên… để công nghiệp hoá, đô thị hoá. Nhưng sau khi công nghiệp hoá, đô thị hoá phát triển tới mức độ nhất định, các nước bắt đầu đầu tư, trợ cấp, hỗ trợ trở lại cho nông nghiệp.

“Nhưng Việt Nam hiện vẫn đang ở điểm “zero” trong giai đoạn này, nông nghiệp có đóng góp ít cho nền kinh tế, trong khi Nhà nước chưa đủ lực đầu tư hay trợ cấp mạnh cho nông nghiệp, do đó thực hiện chính sách miễn thuế là hợp lí cả về ý nghĩa nhân văn lẫn góc độ kinh tế, tạo động lực mạnh mẽ phát triển lĩnh vực tam nông”- TS Sơn khẳng định.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *