Đổi mới phương thức hoạt động, tạo sự thống nhất về nhận thức và hành động trong cán bộ, hội viên, nông dân là cách mà các cấp Hội Nông dân (ND) trong tỉnh Đăk Lăk đang triển khai thực hiện để nông dân phát huy vai trò chủ thể trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới (NTM).
Hiệu quả từ các mô hình điểm
Thành lập từ tháng 7/2019, mô hình “Chi hội nông dân chung sức xây dựng NTM” tại thôn 7, xã Ea Ktur, huyện Cư Kuin được Hội ND huyện chọn làm điểm để nhân rộng.
Tham gia sinh hoạt định kỳ hằng tháng, các thành viên của mô hình là những hội viên nông dân thôn 7 được thông tin về hoạt động sản xuất nông nghiệp, tình hình đời sống ở địa phương; tuyên truyền chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về xây dựng NTM; tư vấn dịch vụ, hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất, kinh doanh, xây dựng gia đình văn hóa…
Mô hình con đường hoa nông thôn mới do hội viên, nông dân thôn 7, xã Ea Ktur, huyện Cư Kuin, tỉnh Đăk Lăk chung tay xây dựng. Ảnh: V.A
Được Hội ND tỉnh hỗ trợ 2 triệu đồng mua giống hoa, các thành viên trong chi hội đã vận động gia đình cũng như người dân trên địa bàn xây dựng con đường hoa dài hơn 500m, tự phân công nhau chăm sóc, bảo vệ. Mô hình thiết thực này đã tạo được hiệu ứng tích cực tại địa phương, hiện nay, chi hội đang triển khai xây dựng thêm nhiều con đường hoa rực rỡ sắc màu, làm đẹp cho cảnh quan nông thôn.
Ở thôn Tân Hòa 2, xã Ea Knuếc, huyện Krông Pắc, hình ảnh những con đường lầy lội, nhỏ hẹp trước đây đã được xóa bỏ, thay vào đó là những con đường bê tông bằng phẳng, sạch đẹp. kết này có sự đóng góp không nhỏ từ mô hình “Chi hội nông dân chung sức xây dựng NTM”. Là 1 trong 3 mô hình điểm do Hội ND tỉnh chỉ đạo thực hiện, qua 2 năm triển khai, mô hình này không chỉ được hội viên nông dân tích cực tham gia mà còn được người dân trên địa bàn ủng hộ nhiệt tình.
Với sự tuyên truyền, vận động khéo léo, nhiệt tình của Ban quản lý mô hình, hội viên, nông dân thôn Tân Hòa 2 đã đóng góp ngày công và hơn 4,2 tỷ đồng xây dựng 6km đường bê tông. Đến nay, 100% đường ngõ, xóm đã có điện thắp sáng; 100% hộ dân có nhà xây kiên cố; 97% số hộ đăng ký đạt gia đình văn hóa; 100% gia đình có nhà vệ sinh bảo đảm tiêu chuẩn.
Bên cạnh đó, để thực hiện nhóm tiêu chí về kinh tế và tổ chức sản xuất, chi hội đã vận động nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp, cho hiệu quả kinh tế cao. Toàn chi hội có 65 gia đình hội viên đạt danh hiệu nông dân sản xuất kinh doanh giỏi với mức thu nhập từ 150 triệu đồng đến gần 1 tỷ đồng/năm. Hiện nay, thu nhập bình quân của hội viên nông dân tại thôn đạt 46 triệu đồng/người/năm; không có hội viên nông dân thuộc diện hộ nghèo.
Từ hiệu quả thiết thực của mô hình điểm, đến nay Hội ND huyện đã nhân rộng được thêm 9 mô hình tại 9 xã trên địa bàn.
Ông Nguyễn Công Hiếu- Chủ tịch Hội ND huyện Krông Pắc cho biết: Xây dựng các mô hình “Chi hội nông dân chung sức xây dựng NTM” đang là cách mà Hội ND các cấp trên địa bàn huyện triển khai nhằm khơi dậy và phát huy tiềm năng của hội viên, nông dân, góp phần quan trọng cùng với chính quyền trong việc hoàn thiện các tiêu chí về xây dựng NTM tại địa phương.
Tiếp tục đồng hành cùng nông dân
Phong trào thi đua xây dựng NTM đã tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức về vai trò, trách nhiệm của nông dân toàn tỉnh. Dựa trên nhu cầu thực tiễn, thế mạnh của từng địa phương, Hội tích cực tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên nông dân đóng góp tiền của, công sức để xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”. Từ đầu năm đến nay, hội viên nông dân toàn tỉnh đã đóng góp hơn 6 tỷ đồng, gần 7.000 ngày công lao động tham gia dọn vệ sinh, nâng cấp, làm mới gần 200km đường giao thông nông thôn, nạo vét hơn 30km kênh mương nội đồng.
Cùng với đó, Hội cũng chú trọng việc tạo các nguồn lực phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho hội viên, nông dân. Tính đến 30/6/2019 các cấp Hội quản lý dư nợ ủy thác với Ngân hàng Chính sách xã hội hơn 1.475 tỷ đồng cho trên 51.000 hộ vay phát triển sản xuất.
Ngoài ra, các cấp Hội tích cực, chủ động phối hợp với các cấp, ngành chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật cho hội viên nông dân; xây dựng trên 200 mô hình kinh tế tập thể giúp nông dân liên kết với một số doanh nghiệp trong việc sản xuất nông sản theo tiêu chuẩn; tham gia phối hợp tổ chức và trực tiếp dạy nghề cho nông dân. Những hoạt động trên đã tạo ra sự lan tỏa, cuốn hút nông hộ nghèo tham gia thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, chuyển đổi cơ cấu mùa vụ, từng bước làm quen với sản xuất hàng hóa, sử dụng vốn đúng mục đích; nhiều hộ đạt mức thu nhập cao đã thoát nghèo, từng bước vươn lên làm giàu.
Bài viết lên quan