Áp dụng an toàn sinh học, đàn lợn nghìn con béo khoẻ cạnh ổ dịch

Trước diễn biến dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) vẫn diễn ra phức tạp, việc áp dụng chăn nuôi an toàn sinh học (ATSH) đang được xem là giải pháp căn cơ, góp phần giúp bà con chăn nuôi tái đàn lợn và phòng chống dịch bệnh hiệu quả, từ đó chủ động nguồn thực phẩm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng.

Để góp phần giúp bà con nông dân tái đàn lợn an toàn, góp phần thúc đẩy tái cơ cấu ngành chăn nuôi, cuối tuần qua, Trung tâm Khuyến nông quốc gia phối hợp Cục Chăn nuôi (Bộ NNPTNT), Sở NNPTNT Bắc Ninh tổ chức Diễn đàn Khuyến nông @ nông nghiệp chủ đề “Giải pháp phát triển chăn nuôi lợn ATSH vùng Đồng bằng sông Hồng”.

Dựng hàng rào, mua lưới ngăn chim, chuột

Theo báo cáo của Sở NNPTNT tỉnh Bắc Ninh, DTLCP đã bùng phát trên địa bàn tỉnh từ ngày 13/3. Tính đến hết ngày 18/11, dịch bệnh này đã xảy ra tại 12.445 hộ của 8/8 huyện, thị xã, thành phố, làm 131.087 con lợn mắc bệnh, chết và phải tiêu hủy với tổng trọng lượng là 9.083.337kg (ước tính thiệt hại 400 tỷ đồng).

Áp dụng chăn nuôi theo hướng ATSH đã giúp cho đàn lợn trên 1.000 con của ông Dương Văn Cốc ở xã Việt Ngọc (huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang) vẫn khỏe mạnh. Ảnh: P.V

Bên cạnh những hộ chăn nuôi, trang trại bị thiệt hại vì dịch bệnh, vẫn có những trang trại, doanh nghiệp chăn nuôi lợn quy mô hàng nghìn con không ảnh hưởng gì, đàn lợn vẫn phát triển khỏe mạnh, lớn nhanh nhờ áp dụng triệt để các biện pháp chăn nuôi ATSH.

Trước khi Diễn đàn Khuyến nông @ nông nghiệp diễn ra, đoàn đại biểu và một số bà con nông dân đã đến thăm mô hình chăn nuôi lợn ATSH của Công ty TNHH Lợn giống hạt nhân Dabaco (huyện Tiên Du, Bắc Ninh).

Ông Nguyễn Đức Toản – Phó Giám đốc Công ty cho biết: Để ngăn chặn dịch bệnh lây lan vào trại, ngoài biện pháp phun thuốc tiêu độc khử trùng, rải vôi bột bên trong và ngoài chuồng trại, chúng tôi đã phải thực hiện nghiêm ngặt các quy trình chăn nuôi ATSH để giữ được đàn lợn khỏe mạnh như hiện nay.

“Công ty đã xây dựng hàng rào và vùng an toàn từ cổng đến khu trại nuôi, bên cạnh đó chúng tôi đã mua lưới dày hoặc quây tôn che kín để ngăn chặn sự xâm nhập của côn trùng, chim, chuột. Đồng thời liên tục kiểm soát nguồn thức ăn, tăng cường chăm sóc nuôi dưỡng, bổ sung men sinh học, vitamin cao cấp trộn vào thức ăn để tăng sức đề kháng cho lợn… Nhờ đó, đàn lợn trong trang trại của chúng tôi vẫn được đảm bảo an toàn” – ông Toản chia sẻ.

“Có muôn nẻo đường để dẫn đến DTLCP, do vậy chúng tôi phải phun thuốc chống ruồi, muỗi 1 lần/ngày; phun phòng dịch 4 lần/ngày.Các dụng cụ, vật tư đem vào trại như quần áo, bóng đèn đều phải chiếu qua tia UV, gạo mua về cũng phải chiếu xạ 15 phút, nồng độ sát trùng 100%. Tất cả các quy trình trên được Công ty tuân thủ nghiệm ngặt” – ông Nguyễn Đức Toản cho biết thêm.

Tại huyện Lương Tài (tỉnh Bắc Ninh), DTLCP bùng phát ngày 21/3, đến nay địa phương đã phải tiêu hủy 19.506 con lợn mắc bệnh. Để phòng trừ DTLCP đối với đàn lợn chưa bị mắc bệnh, huyện Lương Tài đã tuyên truyền, hướng dẫn nhiều trang trại và các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ áp dụng các giải pháp ATSH như: Vệ sinh, thu gom rác thải, chất độn chuồng đem ủ, khử trùng tiêu độc bằng vôi bột và hóa chất sát trùng toàn bộ khu chăn nuôi…

“Chúng tôi cũng tuyên truyền người chăn nuôi không giết mổ, không mua bán lợn ốm, chết, chủ động khai báo khi có gia súc ốm, chết… Cấp vật tư, hóa chất kịp thời đến các xã, thị trấn để phục vụ hiệu quả công tác phòng, chống dịch” – ông Dương Đình Toản, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Lương Tài chia sẻ.

 

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *