Thời gian qua, huyện Bình Liêu (tỉnh Quảng Ninh) đã triển khai các mô hình sản xuất mới, chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp theo hướng giảm dần các loại cây kém hiệu quả và đưa vào sản xuất các giống cây trồng, vật nuôi có năng suất, chất lượng cao.
Trong đó, đối với lĩnh vực trồng trọt, huyện Bình Liêu đã xây dựng quy hoạch phát triển vùng trồng tập trung cây dược liệu, dong riềng, cây sở. Hiện nay, tổng diện tích cây dong riềng trên toàn huyện đạt trên 122ha. Đây là một trong những loại cây trồng có giá trị kinh tế, mang lại nguồn thu nhập cao và ổn định cho người dân.
Cây dong riềng đã mang lại giá trị kinh tế cao cho người dân huyện miền núi Bình Liêu.
Đồng thời, huyện đã hỗ trợ người dân trồng các giống dong riềng mới như DR1, DR 2-13, DR3-10 của Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển cây có củ (Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam) và vận động 100% cơ sở sản xuất miến ký kết tiêu thụ củ dong với người dân.
Ngoài ra, các khâu sơ chế, chế biến và quản lý chất lượng sản phẩm dong riềng theo quy trình sản phẩm OCOP cũng được Bình Liêu chú trọng đầu tư. Hiện nay, trên địa bàn huyện có 1 doanh nghiệp, 4 hợp tác xã, 3 cơ sở sản xuất và 40 hộ sản xuất miến dong. Trong đó, có nhiều cơ sở và hộ sản xuất được hỗ trợ nâng cao năng lực, chất lượng sản phẩm.
Điển hình là việc huyện hỗ trợ trên 1,8 tỷ đồng cho 2 đơn vị nâng cấp hệ thống dây chuyền chế biến miến dong, nhà xưởng và hệ thống xử lý môi trường. Qua đó, nâng cấp công nghệ cho khâu xát bột dong riềng để dự trữ cho sản xuất.
Về vấn đề quản lý chất lượng, huyện đã hướng dẫn các đơn vị hoàn thiện nhãn mác bao bì, 100% đơn vị dán tem truy xuất nguồn gốc… Qua đó, miến dong Bình Liêu ngày càng được khẳng định về chất lượng, là sản phẩm OCOP đạt 4 sao và được người tiêu dùng ưa chuộng.
Đến nay, sản phẩm không chỉ tiêu thụ trong tỉnh mà đã mở rộng thị trường ra các tỉnh thành trong cả nước, mang lại doanh thu trung bình trên 50 tỷ đồng/năm.
Anh La A Nồng, Giám đốc HTX Đình Trung (xã Húc Động, huyện Bình Liêu), cho biết, HTX có gần 15ha đất trồng dong, sản lượng dong củ khoảng 403 tạ/ha.
Trồng dong riềng và chế biến miến dong đã trở thành nghề mang lại thu nhập ổn định cho bà con ở huyện Bình Liêu.
Miến dong có sợi bóng mịn, mềm, giòn, nấu lại nhiều lần không nát, đặc biệt đậm vị bột củ dong Bình Liêu. Để tiếp tục nâng cao chất lượng, sản lượng sản phẩm miến dong, HTX Đình Trung có kế hoạch đầu tư thêm thiết bị sấy trữ bột dong. Theo anh La A Nồng, việc này giúp HTX khắc phục nhược điểm sản xuất theo mùa vụ, thường chỉ 3 tháng trong năm do phụ thuộc vào vụ thu hoạch dong củ.
Mỗi năm, HTX sử dụng khoảng 600 – 800 tấn dong củ nguyên liệu, sản xuất khoảng 20 – 25 tấn miến dong thành phẩm, doanh thu đạt 2 – 3 tỷ đồng, lợi nhuận khoảng 10 – 15% doanh thu.
Bên cạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, huyện Bình Liêu cũng chú trọng xây dựng và hình thành các khu chăn nuôi tập trung quy mô lớn theo hướng sản xuất hàng hoá.
Nếu như trước đây, người dân chỉ chăn nuôi tự cung, tự cấp, nay nhiều hộ đã chuyển sang chăn nuôi theo quy mô gia trại, trang trại tập trung chuyên nghiệp. Nhiều hộ gia đình, hợp tác xã cũng đã tham gia tích cực vào triển khai các dự án như bảo tồn và phát triển giống gà Cao Sơn; dự án ứng dụng KH-CN để cải tạo và phát triển đàn bò thịt.
Toàn huyện Bình Liêu có trên 30 hộ thực hiện dự án chăn nuôi tập trung.
Đến nay, toàn huyện có trên 30 hộ thực hiện dự án chăn nuôi tập trung quy mô lớn theo hình thức gia trại chăn nuôi. Theo thống kê, hiện tổng đàn gia súc của huyện có khoảng 10.400 con, đàn gia cầm 112.000 con.
Đặc biệt, các hộ chăn nuôi trên địa bàn huyện đã từng bước thực hiện chuyển dịch từ chăn nuôi truyền thống sang các phương pháp chăn nuôi an toàn dịch bệnh, vệ sinh môi trường.
Nhờ sự chuyển dịch mạnh mẽ cơ cấu kinh tế trong nông nghiệp với nhiều mô hình hiệu quả, tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất ngành nông nghiệp của huyện trong các năm gần đây bình quân đạt trên 300 tỷ đồng/năm.
Bà Lê Thị Thu Hương, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Bình Liêu cho biết, hiện người dân đã dần mở rộng phát triển vùng sản xuất hàng hóa nông nghiệp tập trung đối với vùng sản xuất rau, củ và vùng trồng dong riềng, gắn với liên kết, tiêu thụ sản phẩm. Đồng thời, huyện đã hỗ trợ người dân thay thế, chuyển đổi trồng rừng gỗ lớn gắn với phát triển vùng trồng dược liệu, lâm sản ngoài gỗ theo hướng hữu cơ.
Bài viết lên quan