Mở rộng hợp tác tam nông 3 nước Việt Nam-Lào-Campuchia

Từ ngày 29/11 đến 2/12 tại tỉnh Lâm Đồng diễn ra Chương trình gặp gỡ hữu nghị nông dân 3 nước Việt Nam-Lào-Campuchia. Chương trình do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam (Hội NDVN) phối hợp với UBND tỉnh Lâm Đồng tổ chức. Nhân sự kiện này, Báo NTNN đã trao đổi với ông Mai Bắc Mỹ, (ảnh) Phó Trưởng ban phụ trách Ban Hợp tác Quốc tế T.Ư Hội NDVN.

Ông Mai Bắc Mỹ.

Gắn kết nông dân 3 nước

Nội dung và mục tiêu hướng đến của “Chương trình gặp gỡ hữu nghị nông dân 3 nước Việt Nam – Lào – Campuchia gắn với hội chợ nông sản sạch” là gì thưa ông?

– Với những điểm tương đồng về điều kiện tự nhiên, khí hậu, ngành nông nghiệp đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế tại 3 nước tiểu vùng sông Mekong. Hiện nay, phần lớn dân số 3 nước đang tham gia sản xuất nông nghiệp và tỷ lệ nông dân trong tổng dân số 3 nước  Việt Nam – Lào – Campuchia lần lượt là 65,5%, 79,7% và 80%. Vì vậy, việc thúc đẩy mối quan hệ hữu nghị hợp tác về sản xuất nông nghiệp hàng hóa giữa nông dân 3 nước đóng vai trò rất quan trọng trong việc phát triển kinh tế – xã hội của mỗi nước và nâng tầm vị thế của ba nước đối với khu vực và thế giới nói chung.

Ngày 29/11, các công tác tổ chức trưng bày, giới thiệu sản phẩm tại Hội chợ nông sản sạch đang được gấp rút hoàn thiện tại TP.Đà Lạt (Lâm Đồng).

Vì vậy, Ban Thường vụ T.Ư Hội NDVN xây dựng kế hoạch tổ chức “Chương trình gặp gỡ hữu nghị nông dân 3 nước Việt Nam – Lào – Campuchia gắn với hội chợ nông sản sạch” tỉnh Lâm Đồng của Việt Nam là rất cần thiết để trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm sản xuất và tiêu thụ nông sản hàng hóa.

Đây là sự kiện quan trọng lần đầu được T.Ư Hội NDVN phối hợp với UBND tỉnh Lâm Đồng tổ chức. Chương trình sẽ là dịp để các cơ quan quản lý nhà nước và  nông dân 3 quốc gia học tập, trao đổi nhiều kinh nghiệm trong sản xuất nông nghiệp, đặc biệt nông nghiệp công nghệ cao tại tỉnh Lâm Đồng.

Trong khuôn khổ chương trình lần này cũng sẽ có nhiều hoạt động kèm theo như hội kiến giữa trưởng đoàn Lào, Campuchia với lãnh đạo Đảng, Nhà nước Việt Nam và lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng; thăm quan các mô hình nông nghiệp công nghệ cao tại Đà Lạt và một số huyện, thị xã. Đặc biệt, trong khuôn khổ, chương trình sẽ tổ chức hội thảo chia sẻ kinh nghiệm về phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn; khai mạc hội chợ nông sản sạch; lễ ký kết thỏa thuận hợp tác hỗ trợ ứng dụng công nghệ cao vào chuỗi an toàn thực phẩm và bao tiêu nông sản…

Nét đặc sắc trong hội chợ nông sản sạch được tổ chức lần này tại Lâm Đồng là gì, thưa ông?

– Hội chợ nông sản sạch lần này dự kiến diễn ra trong 3 ngày với khoảng 250 gian hàng giới thiệu các sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu; hoạt động trải nghiệm du lịch nông nghiệp, thử làm nông dân…

Cùng với đó, hội chợ lần này cũng giúp quảng bá các sản phẩm nông nghiệp an toàn, nông nghiệp công nghệ cao, các sản phẩm nông nghiệp đặc thù, tiêu biểu đạt tiêu chuẩn phục vụ xuất khẩu và tiêu thụ nội địa. Thông qua sự kiện này sẽ giúp 3 nước có thêm cơ hội hợp tác và tạo thêm cơ chế hỗ trợ các doanh nghiệp quảng bá, tiếp cận thị trường ở mỗi nước.

Hợp tác sản xuất nông nghiệp công nghệ cao

Lần đầu tổ chức, Ban tổ chức kỳ vọng như thế nào về sự hợp tác trong lĩnh vực tam nông giữa 3 nước?

– Dù là lần đầu tổ chức nhưng T.Ư Hội NDVN, UBND tỉnh Lâm Đồng đã có sự chuẩn bị kỹ lưỡng từ rất sớm về nội dung, xây dựng kế hoạch, kịch bản chương trình và các vấn đề liên quan. Khâu tổ chức, sắp xếp địa điểm thăm quan thực tế tại Đà Lạt (Lâm Đồng), nội dung hội thảo đều được Ban tổ chức chuẩn bị bài bản, chuyên nghiệp.

Chương trình lần này cũng sẽ tạo điều kiện và mở ra cơ hội hợp tác cho các doanh nghiệp, nông dân giữa 3 nước về đào tạo nghề nông nghiệp, sản xuất nông nghiệp, nhất là nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch.

Là một trong những điểm nhấn của chương trình gặp gỡ giao lưu nông dân 3 nước Việt Nam – Lào -Campuchia, ông có thể chia sẻ về nội dung của hội thảo chia sẻ kinh nghiệm phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn?

– Cả 3 nước Việt Nam-Lào-Campuchia đều thuộc vùng sông Mekong nên trong phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn sẽ có điểm tương đồng.

ới kinh nghiệm sẵn có về sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là canh tác các loại cây nông nghiệp, công nghiệp dài ngày, các doanh nghiệp Việt Nam có nhiều điều kiện thuận lợi để tham gia hợp tác sản xuất, chế biến và xuất khẩu các mặt hàng nông sản bằng nhiều hình thức như liên doanh, thuê đất sản xuất, hoặc hợp tác chuyển giao công nghệ… với các doanh nghiệp, nông dân của nước bạn.

Bên cạnh đó, về lĩnh vực chăn nuôi cũng là một ngành kinh tế có thể phát triển mạnh, kết hợp kinh nghiệm của đồng bào địa phương và phương pháp kỹ thuật tiên tiến trong chăn nuôi đại gia súc… Diện tích đồng cỏ để phát triển chăn nuôi còn rất lớn, đặc biệt là chăn nuôi đại gia súc dưới tán rừng.

Cùng với đó, hợp tác kinh doanh tổng hợp nghề rừng bao gồm khai thác, chế biến, trồng mới là những lĩnh vực mà hiện nay các đối tác phía Việt Nam đã có nhiều kinh nghiệm, có khả năng mở rộng hợp tác để khai thác một cách tốt nhất diện tích rừng hiện có của tỉnh bạn, bảo đảm các yêu cầu về tái sinh rừng và an toàn môi trường sinh thái…

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *